Tản mạn về nghệ thuật trà

02:27 |

Trên đường đi làm, tôi nhận được điện thoại của một ông bạn vong niên (gọi là bạn chứ ông ấy cũng đã 55 tuổi rồi) gọi qua nhà uống trà. Nhân tiện cuộc hẹn với khách hàng lùi đến chiều, tôi lại có thời gian hàn huyên và thưởng trà với ông bạn già…

Gọi là “thưởng trà” chứ thực chất thì ngành nghệ thuật này tôi cũng không rành lắm. Cách đây hơn 10 năm, khi còn là sinh viên, tôi cũng hay lui tới hiên trà Trường Xuân ở Yên Phụ để uống trà. Giờ hiên trà chuyển về 13 Ngô Tất Tố, lúc rảnh cũng qua ngồi nghe nhạc Trịnh, nhâm nhi vài ly trà để luyên thuyên những chuyện trên trời dưới bể…

Còn nhớ năm 2004, cùng vài người bạn đi du lịch Sa Pa, lên đỉnh núi Hàm Rồng ngồi uống trà giữa thiên nhiên tuyệt đẹp. Ôi, sao mà trà ở Sa Pa ngon thế. Ông bạn đi cùng thuộc diện sành trà cũng tấm tắc khen, ngồi uống mãi đến sẩm tối mới chịu xuống núi. Ra về, mỗi người mua một ít trà về nhà uống. Nhưng thật ngạc nhiên, về nhà pha kiểu gì cũng không thể ngon bằng khi ngồi ở đỉnh núi Hàm Rồng. Tìm hiểu ra mới biết, nguyên nhân mà trà pha không ngon là do nước dùng để pha trà, nước ở đỉnh núi Hàm Rồng thực sự làm cho hương vị trà thực sự ngon hơn rất nhiều.

Chính vì vậy, theo nhiều thư tịch cổ Trung Quốc, những yếu tố quyết định vị ngon của trà sẽ được xếp hạng như sau: Nhất thuỷ, nhị trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh. Vậy ra, nguồn nước dùng để pha trà là quan trọng nhất.

Trong “Ðại quan trà luận”, vua Tống Huy Tông có phân loại nước pha trà rất rõ ràng: "Sơn thuỷ thượng, giang thuỷ trung, tĩnh thuỷ hạ". Tức là nước pha trà ngon nhất là nước đầu nguồn suối, nhì là nước sông và thứ ba là nước giếng khơi. Còn người Hà Nội do địa thế không gần nguồn suối mà thuộc hạ lưu sông nên thường pha trà bằng nước giếng khơi hay bằng nước mưa. Mưa được khoảng 10 phút (khi đã hết bụi bẩn trong không gian), người ta mang bàn ra giữa sân gạch, lấy chậu sành to để lên trên bàn (hay trên nóc nhà ngói) hứng nước mưa, cất đi để dành. Tột bực có cụ Nguyễn Tuân với cái thú sử dụng nước sương trên lá sen buổi sớm. 


Danh y Lê Hữu Trác đã từng viết rằng “Bán dạ tam bôi tửu. Bình minh sổ trản trà. Mỗi nhật y như thử.Lương y bất đáo gia” (nghĩa là nửa đêm vài chén rượu, sáng sớm vài ly trà, ngày nào cũng như thế, chẳng bao giờ phải nhờ đến bác sỹ).

Người Việt còn có những loại trà ướp hương như trà sen, trà nhài, trà bưởi… Tuy nhiên, những người thực sự sành trà thì không uống trà ướp hương bao giờ. Thi thánh Cao Bá Quát đã từng viết Uống trà chớ có ướp hoa. Uớp hoa không biết đâu là trà ngon”.

Ở Trung Quốc và Nhật Bản, uống trả đã được nâng lên thành một nghệ thuật. Việc pha trà thì vô cùng cầu kỳ và mất thời gian. Ông bạn già chỉ có nghiện trà thôi mà đầu tư cho trà cũng vô cùng tốn kém, nghe nói cái gì cũng tiền triệu thậm chí cả chục triệu. Đi đâu cũng mang theo trà và ấm. Có lần đến văn phòng mình chơi, ông bỏ “đồ nghề” pha trà ra đầy bàn làm việc… Ông bạn kể, nhiều khi xin một ấm nước sôi pha trà người ta lấy 20.000 đồng.

Tiết trời mua Thu dịu mát, ấm trà ô long nhâm sâm thơm nồng, rồi các thể loại chuyện trên đời thế là hết buổi sáng. Mấy lần chào tạm biệt ra về mà ông bạn cứ giữ lại vì trời đang mưa, rồi lại đổ tại “Vũ vô kiềm toả năng lưu khách”. 
Read more…