Hội Lim - Đến hẹn lại lên
Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013
Hàng năm, vào trung tuần tháng Giêng âm lịch, đến hẹn lại lên, du khách khắp nơi trong cả nước lại nô nức về dự hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) để tìm lại những nét văn hoá đặc trưng của vùng Kinh Bắc, để thưởng thức những làn điều dân ca mượt mà, đằm thắm, để tìm lại những trò chơi dân gian như đập niêu, đánh đu. bịt mắt bắt dê...

Nói đến Kinh Bắc, người ta thường liên tưởng ngay đó là vùng đất còn lưu trữ được những nét văn hoá truyền thống đặc trưng nhất của đồng bằng Bắc Bộ như: Dân ca quan họ, tranh Đông Hồ... Bắc Ninh còn là cái nôi của Phật giáo Việt Nam bởi đạo Phật vào Việt Nam đầu tiên là Luy Lâu (Hà Bắc) những năm đầu tiên sau công nguyên.
Lâu quá rồi tôi mới trở lại hội Lim! Tôi trở lại hội Lim một phần để thăm gia đình một người bạn đồng thời cũng thoả nỗi khát khao được thưởng thức những làn điều dân ca quan họ Bắc Ninh ngọt ngào, đằm thắm. Có lẽ bây giờ, giới trẻ chẳng ai còn cổ hủ, lạc hậu như tôi. Trong khi mọi người cứ chạy theo các thể loại nhạc trẻ trung, sôi động thì từ bé tôi chỉ thích những bài hát mang đậm âm hưởng dân ca.
Còn nhớ, khi còn là sinh viên, tôi đã đến Hồ Gươm Audio tìm mua mấy đĩa Dân ca quan họ Bắc Ninh thì được hỏi "Anh mua về cho mẹ hay cho bà?", khi tôi trả lời là mua cho tôi thì làm cho mấy cô phá lên cười... Điều đó có nghĩa rằng, một loại hình âm nhạc mang đậm truyền thống dân tộc giờ không được mấy người trong giới trẻ đón nhận.
Tôi về hội Lim với mong muốn lớn nhất là được trực tiếp nghe những làn điệu dân ca do chính những người con của quê hương Kinh Bắc thể hiện. Những lời ca mộc mạc, không trau truốt nhưng sao mà đắm say lòng người đến thế. Những khúc hát giao duyên của ông bà ta ngày xưa sao trong câu hát dân ca sao mà ý tứ, kín đáo thế "Em còn son, anh cũng còn son ước gì ta được làm con một nhà" hoặc "Trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta. Ăn một miếng trầu gặp đây ăn một miếng trầu không ăn cầm lấy, không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng" hoặc "Đừng thấy em lắm bạn mà ngờ, tuy rằng em lắm bạn nhưng em vẫn chờ là chờ người ngoan"...
Hội đã tan rồi chia tay bên dòng sông. Chiếc nón quai thao xôn xao câu Quan Họ. “Đến hẹn lại lên” người ơi đừng quên nhé. Con đò bồng bềnh nhớ nhau em gọi câu: Mình ơi!
Dời hội Lim khi hội đã lên đèn, bấy giờ du khách đã thưa dần nhưng những trại hát dân ca quan họ vẫn cất lên những làn điệu dân ca của các liền anh, liền chị làm cho nhiều du khách yêu dân ca không muốn về trong đó có tôi. Câu hát "Người ơi, người ở đừng về" lúc bấy giờ mới thực sự níu chân người về và thể hiện rõ cái hay, cái đẹp của dân ca quan họ Bắc Ninh.
Tags:
du-lich,
van-hoa
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét